Tiên Sư, Thánh Sư Hay Nghệ Sự

Thánh sư, Tiên sư hay Nghệ sư tức là ông Tổ một nghề, người ta truyền dạy nghề đó cho đời sau.

Các vị Thánh sư rất được người ta tôn trọng tại nhiều nơi, những người cùng làm một nghề, cùng buôn một thứ hợp nhau thành Phường, có miếu thờ Thánh sư riêng, và đến ngày giỗ của Thánh sư, gọi là giỗ Phường, người ta cúng giỗ vị Thánh sư tại miếu này và mọi người trong Phường cùng tới lễ.
Lẽ tất nhiên là các phường viên đã phải cùng nhau góp tiền để cúng giỗ Phường. Những phường to thường có tài sản riêng, ruộng vườn để lấy hoa lợi dùng trong việc thờ tự Thánh sư.

Giỗ Phường có khi được làm rất to và có tổ chức trò vui như một ngày hội: đánh cờ, leo dây, múa rối, hát chèo, v.v.

VỊ TRÍ VÀ CÁCH XẾP ĐẶT BÀN THỜ THÁNH SƯ

Bàn thờ Tổ tiên thiết lập giữa nhà, một bên là bàn thờ Thổ Công còn bên kia là bàn thờ Thánh sư.
Bàn thờ cũng được thiết lập trên một hương án kê sát vào tường hậu gian nhà.

Trong cùng chính giữa hương án là một chiếc bệ trên có kê bài vị của Thánh sư, gồm tên họ và nghề nghiệp sáng tạo của Thánh sư. Bài vị này có khi được thay bằng một bức chân dung của vị Thánh sư, bức chân dung thường được các phường thuê vẽ sẵn, bán cho các phường viên. Có nhà thờ cả một pho tượng của Thánh sư thay cho bài vị hoặc bức chân dung.

Trước bài vị là một chiếc bàn nhỏ có kê đài rượu có nắp đậy, giống như bên bàn thờ Táo quân. Rồi trước bàn nhỏ cũng là bình hương hoặc một đỉnh trầm với hai bên có đèn nến, ống hương, mâm bồng, v.v.

Bàn thờ Thánh sư phần nhiều cũng giản dị như bàn thờ Thổ Công. Quan trọng nhất là phải có bài vị, bức chân dung hay pho tượng của vị Thánh sư.
Ngoài cùng bàn thờ Thánh sư cũng có một chiếc y môn.

Cũng có gia đình lập ban riêng để thờ Thánh sư, ở ngoài cửa ban có treo một chiếc mành, mành có nhật nguyệt vẽ long phụng chầu hai bên.
Thánh sư đã được thờ tại miếu của phường, nhưng người Việt Nam bao giờ cũng biết nhớ ơn những người có công với mình, nên ngoài bàn thờ Thánh sư ở miếu là bàn thờ chung cho Phường, mỗi phường viên đều thờ Thánh sư tại nhà riêng.

CÚNG THÁNH SƯ

Hàng tháng, vào những ngày sóc vọng, tuần tiết, giỗ Tết, khi cúng gia tiên và Thổ Công, gia chủ cũng cúng Thánh sư với đồ lễ tương tự như đồ lễ cúng Thổ Công.

Trong một năm, lễ cúng Thánh sư quan trọng nhất là vào ngày kỵ nhật của Thánh sư. Ngày này, tại các phường có cúng giỗ, nhưng tại các tư gia người ta cũng vẫn cúng riêng để tỏ lòng nhớ tới ngày qua đời của ông Tổ nghề mình.

Văn khấn Thánh sư cũng như văn khấn Thổ Công, chỉ thay đổi chỗ cung thỉnh Thổ Công thành cung thỉnh Thánh sư, theo bài vị của từng nghề, mỗi nghề một vị Thánh sư khác, và các vị Thánh sư trước đây cũng chỉ là những người thường, nhưng vì đã dạy nghề cho dân chúng nên được luôn thờ.

Thí dụ:
Ba anh em các ông Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền, người làng Định Công, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đã truyền cho dân nghề kim hoàn từ đời Lý Nam Đế.

Ông Phạm Đôn, người làng Thanh Nhàn, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, mang nghề dệt chiếu từ làng Ngọc Hồ, tỉnh Quảng Tây bên Tàu về truyền cho dân Việt Nam, bắt đầu là làng Hải Thiện, tỉnh Nam Định vào cuối thế kỷ thứ X.

Hòa thượng Khổng Lộ cùng hai học trò là Phạm Quốc Tại và Trần Lạc, trụ trì chùa Phả Lại, Hải Dương, dạy dân ta nghề đúc đồ đồng vào đời vua Trần Thái Tông (1226).

Ông Trạng Bùng tức Phùng Khắc Khoan dạy dân ta nghề dệt the lụa vào đời vua Lê Kính Tông (1600).

Trên đây chỉ nêu danh hiệu mấy vị Thánh sư để làm thí dụ. Mỗi nghề đều có một Thánh sư riêng.

Những người hành nghề, mỗi khi gặp việc trắc trở, đều làm lễ kêu khẩn Thánh sư để được phù hộ cho gặp sự may mắn. Trong ngôn ngữ ta có danh từ “Tổ độ” hay “Tổ trát” để chỉ những người gặp may mắn được Tổ sư thương phù hộ, hoặc những người không may bị thua lỗ bởi sự trừng phạt của Tổ.