Trong truyền thuyết về biểu tượng vẹt – rùa, có một câu chuyện liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Một lần, khi quân Lam Sơn gặp khó khăn, thất bại và phải rút vào rừng sâu để bảo toàn lực lượng. Trong hoàn cảnh thiếu lương thực và kiệt sức, một con vẹt bất ngờ xuất hiện, ngậm một quả bồ quân chín đỏ rồi thả xuống trước nghĩa quân. Nhận thấy quả chim ăn được, nghĩa quân lần theo vẹt, dẫn đến một thung lũng đầy những quả bồ quân chín đỏ. Nhờ vậy, nghĩa quân đã vượt qua cơn nguy kịch, chuẩn bị sức mạnh để tiếp tục kháng chiến và giành thắng lợi vào năm 1427. Khi Lê Lợi lên ngôi vua, ông nhớ lại câu chuyện về con vẹt và ra lệnh tạc tượng để thờ. Điều này cho thấy hình tượng vẹt thờ có nguồn gốc sâu sắc từ cuộc sống, là biểu tượng của sự che chở và mang lại bình an, thịnh vượng.
Chim vẹt không chỉ là linh vật trong thờ cúng mà còn trở thành một đề tài trang trí phổ biến dưới thời chúa Trịnh, đặc biệt tại quần thể di tích Phủ Trịnh ở làng Bồng Thượng (Thanh Hóa). Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu gắn với dòng họ Trịnh và lễ hội thờ Trịnh Kiểm, vị chúa đầu tiên của dòng họ.
Trong quần thể di tích, Nghè Vẹt là một trong những ngôi nghè độc đáo, được xây dựng với kiến trúc bằng gỗ, bên trong có ban thờ, bài vị và tượng 12 vị chúa Trịnh. Đặc biệt, ở Nghè Vẹt, vẹt thờ bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, không chỉ là linh vật mà còn được sử dụng trang trí trên nhiều kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt tại Phủ Trịnh.
Việc dòng họ Trịnh coi vẹt là linh vật bắt nguồn từ một truyền thuyết về đàn vẹt bảo vệ thi hài của mẹ Trịnh Kiểm khi bà bị nhấn chìm dưới đáy sông. Sau sự kiện này, nhà Trịnh tôn thờ vẹt và coi đó là biểu tượng của dòng họ, đặt tên cho nơi thờ là Nghè Vẹt.
Ngày nay, những câu chuyện về chim vẹt được lưu truyền và trở thành nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự kính trọng đối với lịch sử và tín ngưỡng tâm linh của người dân tại địa phương. Di tích Nghè Vẹt đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.