Vương họ Lý, tên là Ông Trọng, người huyện Từ Liêm, thân dài hai trượng ba thước, khí chất cứng cáp, mạnh mẽ khác hẳn người thường. Lúc trẻ, làm một chức nhỏ ở huyện ấp, bị Đô đốc quở phạt, Vương than rằng: “Làm người nên có chí hăng hái như chim loan, phượng bay muôn dặm xa, sao chịu làm tôi tớ người, để cho người mắng, nạt!”, liền bỏ chức đi học, không bao lâu hiểu rộng kinh sử. Mới sang nước Tần làm quan Tư Lệ Hiệu úy (221 trước Công nguyên). Vua Tần Thủy Hoàng lấy được cả thiên hạ, mới sai Vương đem binh ra giữ đất Lâm Thao, uy danh lừng khắp rợ Hung Nô, Thủy Hoàng rất yêu chuộng. Khi Vương đã già, xin về làng nghỉ, Thủy Hoàng sai đúc một tượng đồng theo hình dạng Vương đặt ở cửa Tư Mã ngoài Hàm Cung. Trong tượng chứa được hàng chục người, mỗi lúc có sứ các nước đến lại sai người vào trong tượng để cử động ngầm. Hung Nô trông thấy cho rằng quan Lý Hiệu úy còn sống, sợ uy không dám phạm tái biên giới.
Trong thời Trinh Nguyên, đời vua Đường Đức Tông, Triệu Xương sang làm Đô hộ bên ta (năm Trinh Nguyên thứ 7; 791 sau Công nguyên), thường vào chơi đất Từ Liêm. Khi về, đêm thường mộng thấy Lý Ông Trọng cùng mình nói chuyện chính trị và giảng sách Lã Thị Xuân Thu. Xương lấy làm lạ, hỏi thăm đến chỗ nhà Vương ở xưa, thấy một vùng đất hoang, nước đọng, cây cỏ xanh um, nền cũ đầy rêu phủ. Xương liền dựng một ngôi đền cao và rộng, rồi sửa lễ đem đến tế. Đến thời Cao Biền sang ta (864–874) đánh giặc Nam Chiếu, Vương thường hiển linh giúp sức. Biền cảm và sợ, mới sai sửa sang đến tráng lệ hơn trước, lại sai tạc tượng thờ và đến tế lễ. Từ đó, tại đền hương khói không dứt. Năm Trùng Hưng thứ 1, sắc phong Anh Liệt Vương, năm thứ 4 gia phong hai chữ Dũng Mãnh. Năm Hưng Long 21, gia phong Phụ Tín Đại Vương.