ĐÌNH NAM DU HẠ

ĐÌNH NAM DU HẠ

Đình thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Hiện nay không còn tài liệu nào ghi rõ niên đại xây dựng của đình. Đình đã qua nhiều lần tu sửa, tuy có những bộ phận kiến trúc xây dựng lại bằng những chất liệu hiện đại nhưng công trình kiến trúc của đình vẫn mang phong cách dân tộc.

Đình Nam Dư Hạ còn lưu giữ được nhiều sắc phong và ngọc phả nói về 3 vị thần được thờ là Tam đầu Cửu Long Vương. Theo truyền thuyết, thần có công phù giúp Lê Lợi chống quân Minh, Thái uý Chưởng võ Thái sư Nguyễn Xí, một trong những khai quốc công thần của nhà Lê, Lê An Hoàng thái hậu, Chương Thị Miếu.

Đình Nam Dư Hạ còn lưu giữ được cửa mã, là nét kiến trúc cổ rất hiếm ở Việt Nam (chùa Kim Liên, chùa Nghi Tàm) của thế kỷ 18. Tại cửa mã, 2 bên có 2 trụ cột gạch vuông có đắp nhiều hình hoa quả, mái cửa mã lợp ngói ta, trên bò nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bộ vì mái bằng gỗ chạm rồng cuốn thủy, nét chạm đơn giản nhưng sống động. Ngoài cửa mã chính bên phải còn một cổng nhỏ, xây hai tầng mái, mái giả ngói hài. Qua cổng là sân đình khá rộng, hai bên là 2 dãy tả hữu 5 gian 2 chái, vì kèo kết cấu đơn giản.

Toà đại đình rộng 5 gian có 5 cửa vào theo kiểu vòm cuốn. Cách một hiên rộng 1,8m với 4 cột hiên tròn, qua 3 cửa là vào hậu cung. Bộ vì kèo làm kiểu chồng giường đơn giản.

Nét nổi bật của đình Nam Dư Hạ là hiện còn lưu giữ được nhiều ngai thờ mang nét chạm thế kỷ 19 rất đẹp. Thành ngai là các cột tiện chạm vật linh, tay ngai là đầu rồng chạm công phu, chân ngai là các tầng vuông được chạm các mảng thủng, chạm lộng hình hoa lá, rồng mây. Ngoài ra còn 3 cỗ kiệu bát công nguyên vẹn, sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ cầu kỳ, trau chuốt đầu rồng, thân rồng, đuôi rồng. Đây là những cỗ kiệu mang nét chạm khắc cuối Lê – đầu Nguyễn. Đình còn giữ được 12 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn (1703-1924).