ĐÌNH HOÀNG

ĐÌNH HOÀNG

Đình Hoàng nằm ở bên phải trục đường Nguyễn Phong Sắc, gần cầu đá, thuộc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đình có niên đại từ lâu đời, là nơi thờ phụng, tưởng niệm vị tướng tài nổi danh của thời Lý là Hoàng tướng Đông Trịnh Vương, người đã có công giúp nhà Lý dẹp tan giặc Văn Châu.
Ngôi đình cũ xưa kia được xây dựng trên một khu đất trung tâm của xã Cổ Nhuế. Khi nhà nước quyết định xây dựng cầu Thăng Long ở vị trí phía nam cầu thuộc xã Đông Ngạc thì nằm vào vị trí ngôi đình. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định dịch chuyển ngôi đình từ địa điểm cũ về địa điểm hiện nay, tháng 3/1986 thì hoàn thành.
Đình Hoàng có kết cấu kiến trúc khác biệt so với kiểu kết cấu chữ đình thông thường.
Đình Hoàng gồm phương đình và đại bái.
Phương đình là nếp nhà ba gian, xây dựng kiểu cột trụ vuông bằng xi măng, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, đốc mái đắp nổi hình rồng lá, đầu đao uốn cong; kết cấu vì kèo kiểu “chồng giường, giá chiêng”. Các bức cốn hồi chạm khắc đề tài “mai lão hóa rồng”, “trúc lão hóa rồng”, “rùa chở chữ thọ”; mảng chạm đặc sắc là đề tài “ngũ linh quần hội”, “mai, cúc, trúc, tùng”.
Tòa đại bái xây kiểu “tường hồi bít đốc”, mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình rồng chầu mặt nguyệt. Đầu đốc đắp hình rồng cách điệu, thân rồng trải dài theo bờ đinh, bên dải đắp gờ, giữa bờ dải, đoạn gấp khúc đắp hình nghê. Bốn đao mái tạo dáng cong hình rồng lá. Nội thất gồm 3 gian 2 chái, nhà xây tường bao, vì kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang cột trôn”, mái phân “thượng tứ – hạ ngũ”, trang trí kiến trúc đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén.
Nối liền đại bái với hậu cung là dãy nhà cầu, kết cấu kiểu vỉ ruồi, hai gian bên để trần, nếp nhà chạy song song với đại bái.
Hậu cung làm kiểu chồng diêm, 2 tầng 8 mái, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp rồng, tám đầu đao hình rồng cách điệu. Hậu cung trổ 4 cửa, cánh cửa tạo kiểu thượng song hạ bản, phần nền bản cửa trang trí đề tài tứ quý, cột chủ yếu là bào trơn đóng bén.
Trong đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ cúng, nổi bật là cỗ kiệu bát cống có niên đại thế kỷ 18-19, 17 đạo sắc phong, đồ đồng, đồ gỗ, đồ đá…
Đình đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 25.1.1994