ĐÌNH GIẢNG VÕ
Đình Giảng Võ ở làng Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.
Đình thờ bà Lý Châu Nương, thường gọi là bà chúa Kho, một nữ tướng xuất sắc thời Trần, đã có nhiều cống hiến trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên.
Bà là con ông Lê Quỳnh, người phường Võ Trại, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là phường Giảng Võ). Thuở nhỏ, bà được cha mẹ cho theo học ông thầy họ Ngô ở phường Bích Câu, đến năm 16 tuổi đã tinh thông võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung, trí dũng song toàn. Đến năm 22 tuổi bà lấy ông Trần Thái Bảo, hai người về sống ở Hoan Châu (Nghệ An).
Đến đời vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên đem quân sang chiếm nước ta. Trần Thái Bảo cùng Châu Nương đem hai ngàn gia binh chống cự. Bà đã buộc tóc giả nam, đổi y phục, ra lệnh cho vài trăm nữ binh làm quân thị nội, hơn nghìn quân nam phòng giữ phía ngoài, đóng kín các quốc khố, quyết tử không cho giặc vào kho cướp phá suốt hàng tháng trời. Giặc Nguyên không thể nào vào được kho. Vừa lúc đó Thái Bảo trở về, phối hợp cùng đội quân đánh, giặc Nguyên phải rút. Nhà vua cảm phục tài năng của bà, giao cho Châu Nương coi quốc khố, ban thưởng rất hậu và cho ruộng đất ở phường Võ Trại làm ấp thang mộc, phong là “Quân Chưởng Quốc Khố”.
Giặc Nguyên lại xâm lược nước ta một lần nữa. Bà cho quân lính canh phòng cẩn mật kho tàng, đánh lại giặc hàng chục trận. Nhưng rồi bà được tin chồng là Thái Bảo chết trận ở Thao Giang ngày 12-7. Ngày 20-7, bà lấy khăn hồng che mặt mà hoá. Tương truyền trong kho có tiếng nổ to như sấm, chỉ thấy còn lưu lại chiếc khăn hồng và hài phượng. Quân lính bèn kính cẩn làm lễ chôn khăn và hài ngay tại đó.
Sau khi bà mất, vua thương tiếc, phong cho bà là “Anh Linh Hiển Ứng Kho Nương Công Chúa, Chưởng Khố Đại Vương Phu Nhân Thánh Mẫu” và lệnh cho dân làng Võ Trại lập đình thờ phụng bà mãi mãi. Dân làng được miễn tạp dịch phu phen, thuế má để chăm lo thờ cúng bà.
Đình hình chuôi vồ, đại bái gồm 3 gian, hậu cung 2 gian. Đình đã được sửa chữa nhiều lần. Có trang trí các hình đầu rồng, cửa võng. Đình còn lưu giữ được các đồ tế khí như: bàn thờ tay ngai, bài vị, kiệu bát cống, long đình. Ngoài ra còn có các câu đối, hoành phi, nghê đá, bia đá.
Đình đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử ngày 20-7-1994.