ĐÌNH GIÀN
Đình thuộc thôn Cao Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đình Giàn thờ Lý Phục Nam, một tướng thời Lý Nam Đế, có công trong cuộc kháng chiến chống quân Lương ở phương Bắc và Chiêm Thành ở phía Nam. Đình đã được xây dựng từ lâu đời và được tu sửa nhiều lần.
Kiến trúc đình gồm đại đình, một nhà dọc (tương ứng với 3 gian giữa của đại đình) và nhà hậu cung.
Đại đình có 5 gian 2 dĩ, kiến trúc kiểu “thượng chồng giường giá chiêng, hạ kẻ”. Nền nhà được tôn cao 50cm. Nhà dọc nối giữa đại đình và hậu cung gọi là nhà thiêu hương, có kiến trúc vì ngoài cùng kiểu kẻ chuyền, 3 vì giữa theo kiểu “thượng chồng giường giá chiêng, hạ kẻ”. Gian trong cùng, nâng cao hai tầng mái, kiến trúc giống kiểu phương đình, bốn mái có đầu đao cong đắp hình rồng.
Hậu cung nối liền với nhà thiêu hương gồm 3 vì kèo theo kiểu quá giang, xây có bệ cao để đặt khám thờ.
Về trang trí, có những hoa văn được chạm nổi ở các đầu kẻ ở nhà thiêu hương, đề tài là rồng mây, rồng lá, các giường chạm ván mây, cây lá. Kỹ thuật chạm nổi và chạm kênh bong. Trên bộ vì giường chạm hổ phù ngậm vành trăng, râu rồng tạo thành những hình mác. Hai bức cốn nách chạm tứ linh, đầu rồng nổi cao và hình phượng ngậm hoa, rùa, sen.
Nhìn chung, những mảng chạm của đình mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 19, cộng với những mảng chạm của cửa võng và các đồ thờ tự như án nhang, kiệu đã làm cho ngôi đình thêm vẻ trang nghiêm.
Ngoài những đồ thờ, đình còn một số bia ký thời Lê Cảnh Hưng, thời Gia Long và những lọ sứ cổ có giá trị nghệ thuật.
Đình đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 27.12.1990