ĐÌNH ĐỨC HẬU

ĐÌNH ĐỨC HẬU

Đình thuộc thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đường đến từ thị trấn Sóc Sơn rẽ tay phải, qua núi Đôi, qua Tam Đảo (Tân Minh) đến ngã tư Thá (xã Xuân Giang) đi tiếp độ 1 km nữa là đến Đức Hậu. Di tích ở cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km.
Đình Đức Hậu được xây dựng gần chùa, ở phía tây bắc của thôn Đức Hậu.
Đình Đức Hậu là một công trình kiến trúc gồm tiền đình, đại đình và hậu cung. Tiền đình phía trước cách một sân hẹp đến đại đình. Đại đình và hậu cung có một tòa nối tạo thành hình chữ công (工).
Đình Đức Hậu thờ thánh Tam Giang: theo thần phả, Tam Giang là anh em Trương Hống, Trương Hát, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh. Thời Tiền Lý có công tham gia chống xâm lược và được nhiều nơi thờ. (Sau khi Lý Phật Tử đánh đuổi Triệu Quang Phục, anh em họ Trương đã tự vẫn ở ngã ba Xà trên sông Như Nguyệt ngày 10-4 âm lịch. Các làng xã ven sông Cà Lồ đều thờ anh em họ Trương và thường gọi là thánh Tam Giang).
Không biết niên đại chính xác xây đình vào năm nào, nhưng theo phong cách chạm trổ ở các mảng cốn, xà và các đầu dư, kẻ bảy thì có thể đình được xây vào thế kỉ 17 và được tu sửa nhiều lần vào các thế kỉ sau.
Đình gồm có nhà tiền tế, đại đình, hậu cung. Tiền tế có 5 gian 2 chái, mái cong, vì kèo theo kiểu 4 hàng chân. Các vì kèo giữa và cạnh có cấu trúc khác nhau, hai vì kèo giữa và cạnh theo kiểu thượng xà chồng giường, kèo suốt luồn cột quân; hai vì bên trốn cột cái, trên chống xà, dưới kiểu tiền dư hậu bảy. Các gian chái xây bịt, còn các gian giữa để thoáng cả trước sau. Nhà tiền tế chủ yếu bào trơn soi gờ, chỉ chạm ở các đầu con giường, đầu bảy, thân kẻ.
Đại đình là 3 gian 2 chái với mái đao uốn cong, kết cấu vì kèo 6 hàng chân, tổng số 48 cột lớn nhỏ. Đại đình trước đây có sàn nhưng nay lát gạch, dấu tích sàn chỉ còn các lỗ mộng. Kết cấu vì kèo: 2 vì giữa thượng chồng xà con nhị, câu đầu gối cột có đầu dư; trung xà kẻ đấu xà nách, tiền kẻ hậu kết liền với phần ống muống; hai vì cạnh thượng giá chiêng, hạ trung kẻ trường, trên có dong đá hoành.
Phần ống muống có 2 gian nối với hậu cung, thiết kế vì giữa kiểu quá giang, trên giá chiêng, ở dưới có xà tạo mái diêm dưới (phần này kiểu chồng diêm).
Hậu cung có 3 gian, đầu hồi bít đốc tay ngai, mái trước chồng diêm 2 mái bảng diêm giải muống; mái sau 1 mái, kết cấu đơn giản theo vì kèo hai cột chính và 1 cột phụ phía trước, phía sau có gác tường.
Nền đình vì giữa giải muống nâng cao hơn đại đình 80 cm, có hai lối lên làm thêm 3 bậc. Hậu cung trên nóc có ghi Duy Tân nhị niên (1908), không rõ mới có hậu cung hay tu sửa. Về nghệ thuật chạm chủ yếu là ở đại đình, với các mảng chạm nổi bong kênh kiểu rồng có tai và nhiều thú như chuột, hươu, sóc, các loại đầu rồng mình thú với hình người trên đầu rồng, phụ nữ cưỡi rồng, v.v… có một số trang trí hoa lá cách điệu. Nhìn chung về nghệ thuật, đình Đức Hậu còn giữ được những mảng đẹp trên kiến trúc ít nơi có. Ngoài chạm trổ trên kiến trúc, đình Đức Hậu còn có 1 phù điêu gỗ chạm thánh Tam Giang với mẹ và em gái mang tính cách dân gian.
Đình (và chùa) Đức Hậu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 10.3.1994