Đền thờ Hai Bà Trưng

Đền thờ Hai Bà Trưng
Đền thờ Hai Bà Trưng còn gọi là đền Trưng Nữ Vương hay đền Đồng Nhân, ở xã Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nước Việt bị nhà Tây Hán đô hộ (110 trước Công nguyên). Năm 39, Thái thú Giao Chỉ là Tô Định tham lam, tàn ác lại giết hại Thi Sách, con một lạc tướng, là chồng của Trưng Trắc. Bà cùng em là Trưng Nhị nổi lên đánh đuổi Tô Định. Dân chúng các quân Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nổi lên hưởng ứng, thu được 65 thành trì ở Lĩnh Nam, tự xưng làm vua.
Năm 41 sau Công nguyên, vua Hán sai tướng là Mã Viện đem quân sang đàn áp. Hai Bà không chống nổi phải rút về Cẩm Khê, sau đó thua và tự vẫn.
Trong ký ức của người Việt Nam, Hai Bà là những anh hùng có công với nước nên đã được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ ca ngợi công đức.
Đền Hai Bà ở Hà Nội được dựng vào năm 1142 dưới triều vua Lý Anh Tông. Hai Bà quê ở huyện Mê Linh, đất Phong Châu. Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Thái thú Tô Định tàn bạo, giết hại chồng bà là Thi Sách. Hai Bà liền dấy quân khởi nghĩa, giành được 65 thành trì ở Lĩnh Nam. Về sau, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh, Hai Bà không chống nổi phải rút về giữ đất Cẩm Khê, sau cùng lên núi Thường Sơn rồi hóa. Một thuyết khác nói rằng Hai Bà cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn, sau đó khí thiêng hóa thành hai tảng đá trắng trôi trên sông Hồng về bến bãi Đồng Nhân, đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng thấy vậy, bèn lấy vải đỏ rước tượng vào bờ và lập đền thờ Hai Bà ở ngay bãi Đồng Nhân ven sông. Tương truyền tượng đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay giơ cao chỉ lên trời. Vua đã phát hai đôi ngà trang trí và hai pho tượng voi để thờ Hai Bà.
Đến thời Chính Hòa (Lê Hi Tông) (1676 – 1705) có sắc phong “Lĩnh Nam liệt khái, thạch hóa chân dung” (nghĩa là đấng nghĩa liệt khảng khái đất Lĩnh Nam dung mạo kết tinh thành đá).
Do bãi sông bị lở dần, đền có nguy cơ bị đổ, dân phải dời về xã Đại Từ. Đến năm Gia Long 17 (1818), đền mới được chuyển vào tại thôn Hương Viên, trên nền khu Võ sở (thời Lê dùng làm nơi luyện và thi võ). Dân làng Đồng Nhân ở ngoài bãi cũng di chuyển vào đó và thờ cúng Hai Bà, đền vẫn được gọi là đền Đồng Nhân.
Khu đền thờ hiện nay được chia làm hai phần: đền thờ Hai Bà và chùa thờ Phật. Đền thờ Hai Bà được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tòa bái đường gồm 7 gian, mái dài rộng, bên trong có nhiều đồ thờ cúng. Gian ngoài có tượng hai con voi đen, một cái khánh bằng đồng thau, một bia đá dựng năm 1840 dưới thời Minh Mệnh do tiến sĩ Vũ Tông Phan viết. Gian giữa có nhiều điêu khắc gỗ. Gian trong là nơi thờ cúng Hai Bà. Trên bệ đá cao khoảng một mét là tượng Hai Bà bằng đất luyện, tư thế ngồi, hai tay chỉ lên trời, mặc áo lụa vàng và đỏ. Hai bên là tượng 12 nữ tướng.
Bên cạnh là Miếu Quan Hoàng thờ Tam tòa Thánh Mẫu và chùa thờ Phật đều được trưng bày các đồ thờ cúng.
Đền có một bia, chùa có 9 bia.
Lễ hội đền Hai Bà: mồng 6 tháng Giêng ngày vua Bà đăng quang; mồng 6 tháng Hai, ngày hội lớn, hội chính. Mồng 1 tháng 8: ngày thánh đản (sinh nhật). Mồng 8 tháng 3: ngày thánh hóa. Trước ngày lễ chính từ ngày mồng 4 tháng 2, dân làng bắt đầu tế lễ nhập tịch. Mồng 5, lễ rước nước, hàng trăm người rước kiệu, bơi thuyền ra giữa sông lấy nước, nấu trầm hương rồi tam tượng và thay quần áo. Việc dâng cúng rượu và trà vào hậu cung theo tục lệ cổ truyền thuộc về các lão bà. Lễ hội diễn ra rất tưng bừng, có rước kiệu, múa rồng, đấu cờ, đấu võ… Hội đền Hai Bà là một trong những hội lớn có tiếng ở kinh đô Thăng Long.
Hạ Lôi là quê hương của Hai Bà. Hát Môn là nơi tụ nghĩa, tế cờ và khởi nghĩa. Phụng Công là nơi Hai Bà đóng quân. Đồng Nhân là nơi rước được tượng hóa đá của Hai Bà. Bốn làng này trước đây có tục kết nghĩa vì cùng chung thờ Hai Bà. Đây là một phong tục đẹp có ý nghĩa đoàn kết các làng xung quanh hai nữ anh hùng dân tộc.
Văn bia của tiến sĩ Vũ Tông Phan dựng trước cửa đền đã nói lên được lòng tôn kính của cả dân tộc với Hai Bà:
“Ôi trí tuệ biết nhường nào! Tài giỏi biết nhường nào! Nghĩa liệt và khí khái biết nhường nào! Chị em một nhà, anh hùng nghìn thuở. Có lẽ trong nữ giới chưa bao giờ có người như thế mà cũng là việc hiếm có trong dòng họ nhà tướng.
Việc làm của trượng phu không thể lấy thành hay bại để luận bàn. Việc làm của Hai Bà cũng không nên lấy thành bại mà luận bàn. Nghìn đời sau đọc sử xưa khiến ta càng tăng khí phách.”

Đình (chùa) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử ngày 28.4.1962.