ĐỀN HOÀNH SON
Đền thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đền Hoành Sơn, một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của làng Vinh Thịnh, là nơi thờ Liễu Hạnh công chúa, người đã âm phù cho Phạm Xa (hiện nay thờ trong đình) giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh và chặt đầu Liễu Thăng ở Lạng Sơn.
Đền Hoành Sơn tọa lạc trên một khu đất cao ráo giữa khu vực cư trú của làng, đền quay về hướng đông nam. Từ ngoài vào đền gồm có tam quan, 2 nhà tả hữu mạc rồi đến tiền tế, ống muông và hậu cung. Tam quan xây dựng đơn giản theo kiểu tam quan trụ. Trên cùng mỗi cột trụ là hình quả dành, phía dưới là phần lồng đèn. Bên trong 4 ô hình chữ nhật của lồng đèn trang trí đắp nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), 2 bên là hai cửa giả. Qua tam quan là đến sân đền, liền với sân là 2 nhà tả hữu mạc làm theo kiểu đầu hồi bít đốc, kèo quá giang, bào trơn đơn giản.
Nhà tiền tế: gồm 5 gian, 6 hàng chân cột; kết cấu vì kèo làm theo kiểu “thượng chồng giường hạ kẻ và bẩy hiên”. Trang trí trên kiến trúc khá đẹp và công phu, nghệ thuật chạm trổ được thể hiện: chạm lộng hình rồng mây, hoa lá trên vì gian giữa và 2 gian bên; 4 đầu dư của 2 vì kèo gian giữa được chạm thủng kết hợp với chạm lộng hình đầu rồng. Các bức cốn được trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau, có bức cốn chạm tứ linh, có bức cốn nghệ nhân mượn hình tượng nghệ thuật dân gian để nói về sự kiện lịch sử khác có liên quan tới nhà Trần. Đó là bức cốn ở một góc có đuôi ngựa hiện dưới chân cột cờ, phía trong là 2 người đấu kiếm, ở giữa bức cốn là ngai vàng bỏ không, phía trên có lọng che, xa xa là 2 quan văn võ đứng chầu ngai vàng, cuối bức cốn là anh lính tốt đỏ, hông đeo kiếm, 2 tay khẩn trước ngực chầu và 1 người lính cầm cò, 2 người đứng bên cạnh, 1 tăng ni mặt mũi phúc hậu, xa xa là ngôi tháp cổ. Đây có thể miêu tả đến sự kiện vua Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng quân Nguyên, đã rời bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu hành? Trong các ngôi chùa Việt Nam chưa thấy có ngôi chùa nào nói lên việc này, đền Hoành Sơn lại miêu tả, phải chăng đó là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo và Đạo giáo?
Kiến trúc cổ Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, chúng ta gặp những bức cốn chạm thể hiện thế giới con người, thế giới thần tiên đầy sức hấp dẫn, huyền bí của đạo tiên trong một ngôi đền cổ.
Ống muông (hay nhà cầu) 3 gian kết cấu đơn giản, chủ yếu bào trơn, kẻ soi, gian giữa ống muông hiện còn 1 hương án gỗ sơn son thếp vàng chạm lộng và chạm thủng với đề tài vân mây, hoa lá, mây lửa với các trang trí đắp nổi cảnh mây núi bộ cục đăng đối.
Hậu cung làm khá kín đáo, các cửa bằng gỗ kết cấu khá đơn giản theo kiểu “kèo cầu quá giang”. Bên trong có 3 khám thờ và tượng công chúa Liễu Hạnh sơn son thếp vàng.
Đền Hoành Sơn còn lưu giữ nhiều đồ thờ bằng gỗ, sứ, v.v… và các mảng chạm mang phong cách cuối Lê đầu Nguyễn có ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ.
Đền đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 2.10.1991.