QUỐC ĐÔ THÀNH HOÀNG ĐẠI VƯƠNG
Xét sách Giao Châu Ký và Truyện Báo Cực:
Vương họ Tô tên là Lịch, làm quan Lệnh ở Long Độ. Tiên tổ ở đất này lâu đời, dựng làng trên bờ một con sông nhỏ, nhà thanh bạch lấy hiếu thuận làm đầu, ba đời cùng nhân nhượng không ở riêng biệt. Trong đời Tấn, xét những nhà có hiếu, nhà Vương được ban khen, gặp năm mất mùa đói kém, có chiếu vua cho nhà Vương vay thóc. Nhân thế, lấy hai chữ “Tô Lịch” đặt tên làng.
Năm Trường Khánh thứ 3 (823), đời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Gia sang làm đô hộ, thấy cửa Bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế rất xinh đẹp, mới tìm đến chỗ cao ráo dời phủ lỵ vào đóng tại đây, sửa dựng phủ, có từng lượt nhà cửa, mở nhiều cổng ngõ. Chỗ phủ này chính là chỗ nhà cũ của Vương. Nguyên Gia sai giết trâu bò, làm tiệc mời các kỳ lão trong làng đến dự, rồi hỏi chuyện về Vương và ngỏ ý muốn tâu xin thờ Vương làm Thành hoàng. Mọi người đều vui thuận tán thành và hưng công dựng nên ngôi đền rất nguy nga tráng lệ. Hôm làm lễ khánh thành rất vui vẻ rộn rịp. Đến đêm, Nguyên Gia nằm nghỉ, trận gió mát đưa tới, bức màn lay động, thấy một người cưỡi con hươu trắng ở trên không xuống, đầu tóc bạc phơ, áo quần lịch sự, bước vào bảo Nguyên Gia rằng:
“Cảm ơn sứ quân bầu tôi làm Thành Hoàng ở đây, tôi muốn đến khuyên sứ quân: nếu ngài hết lòng dạy dỗ cho dân cư trong thành này thì mới xứng với chức Mục Thú, mới đáng là một vị quan có nhãn chính!”
Nguyên Gia chắp tay xin vâng, rồi hỏi họ tên, ông cụ không đáp. Giật mình tỉnh dậy, Nguyên Gia mới biết là mộng.
Đến thời Cao Biền sang đắp thành Đại La (năm 866 sau Công nguyên), nghe tiếng Vương anh linh mới sửa lễ đến tế, tôn làm Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân.
Vua Lý Thái Tổ, sau khi dời đô ra thành Đại La, đổi tên là Thăng Long (năm 1010), thường mộng thấy một ông già đầu bạc, đứng trước bệ vái chào hô vạn tuế. Vua hỏi họ tên, ông cụ tâu rõ. Vua cười nói: “Tôn thần muốn giữ hương lửa tới trăm năm sao?” Ông cụ thưa rằng: “Chỉ mong thánh thọ dài lâu, cơ đồ bền vững, trong triều ngoài quận lúc nào cũng yên vui, thì chúng tôi giữ hương lửa chẳng những trăm năm mà thôi!” Vua tỉnh dậy, sai quân đến tế, phong làm “Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương”. Từ đó, dân cư trong thành đến lễ cầu đảo, thề ước đều thấy linh ứng. Năm Trùng Hưng thứ nhất sắc phong hai chữ Bảo Quốc, năm thứ tư thêm hai chữ Hiển Linh, năm Hưng Long 21 gia phong hai chữ Định Bang.