THỜ THIÊN HẬU THÁNH MẪU
Thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu là một sinh hoạt tín ngưỡng mang tính chất Hoa và theo chân người Hoa ra các vùng khác ở Đông Á và Đông Nam Á. Theo tư liệu chúng tôi biết được, thì ngôi miếu lớn nhất thờ Thiên Hậu ở cực bắc là Thiên Tân, điểm giao thương đường biển giữa miền Giang Nam với miền bắc, nơi mà người dân Thiên Tân thường có câu nói cửa miệng “Có Thiên Hậu mới có Thiên Tân.” Vùng biển phía đông là nơi dày đặc các đền miếu thờ Thiên Hậu, đặc biệt là ở Đài Loan, nơi vừa có nhiều đền miếu lớn thờ Bà, vừa có cả một hòn đảo mang tên Bà, đó là đảo Mã Tổ, nơi tiếp giáp giữa Đài Loan và Đại lục.
Xuống vùng phía nam là Phúc Kiến, Hạ Môn, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam cũng là địa bàn thờ Thiên Hậu, trong đó Phúc Kiến được coi là quê hương của Bà. Ở đây có miếu thờ Thiên Hậu ở cảng Mỵ Châu, ở Thẩm Quyến có Nam Sa Thiên Hậu cung. Tại Hồng Kông có ngôi miếu thờ Bà cổ xưa nhất (năm 1266) ở New Territories. Ở Ma Cao, tên Bà được đặt cho một hải cảng, gọi là Cảng Bà, nơi đây có trung tâm nghiên cứu văn hóa Mã Tổ, giống như ở Thiên Tân, nơi miếu thờ Bà nay trở thành bảo tàng văn hóa Thiên Hậu.
Ở Việt Nam, đền thờ Thiên Hậu cổ có ở miền Bắc (Phố Hiến, Hưng Yên), miền Trung (Hội An, Huế), và đặc biệt là Nam Bộ, nơi có nhiều cung / miếu thờ Bà, đều xuất phát từ những nơi trước kia có người Hoa di cư đến và định cư. Xuống vùng hải đảo Đông Nam cũng có nhiều đền thờ Thiên Hậu; trong đó đền thờ Thiên Hậu lớn nhất ở ngay trung tâm thủ đô Kuala Lumpur do người Hoa di cư tạo lập. Ở Nhật Bản (Yokohama) hay ở Hàn Quốc, nơi có người Hoa, cũng đều có đền thờ Bà. Người Hoa định cư ở các nước Âu-Mỹ cũng có tục thờ bà Thiên Hậu. Như vậy, việc thờ cúng Thiên Hậu đã trở thành hiện tượng tín ngưỡng-văn hóa xuyên quốc gia.
Tất nhiên, khi một hiện tượng văn hóa xuất phát từ gốc, tức vùng đông nam Trung Quốc, theo chân di cư đến các nơi khác thì trong việc thờ phụng cũng có sự biến dạng, tuy nhiên giữa chúng đều mang những nét chung nhất. Hiện tượng thờ Thiên Hậu ở Nam Bộ cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.
Thiên Hậu Thánh Mẫu là ai?
Trong điển tích các thần linh Trung Hoa từ thời nhà Tống (thế kỷ XII) về sau, cũng như các truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, đều kể về sự tích Thiên Hậu. Giữa các thần tích, tuy có một số điểm sai khác về chi tiết, nhưng về cơ bản đều thống nhất. Có thể tóm tắt truyền thuyết về Thiên Hậu như sau: Bà là con thứ sáu của một thương nhân buôn bán trên biển, tên là Lâm Nguyện, người tỉnh Phúc Kiến. Bà sinh vào đời Tống Kiến Long (960) tại làng Mỵ Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến. Khi Bà sinh ra, nơi Bà tỏa ánh hào quang, sực nức hương thơm cây cỏ, mãi đến ngày đầy tháng mà Bà không biết khóc một tiếng, nên Bà còn có biệt danh là Lâm Mặc, Mặc Nương. Năm 13 tuổi, Bà học pháp thuật tinh thông, có thể cưỡi chiếu bay ra biển, cưỡi mây đi du ngoạn khắp nơi. Bà cũng có thể dùng pháp thuật để chữa bệnh cho mọi người. Bà quyết chí ở vậy, không lập gia đình, nguyện suốt đời làm việc thiện. Bà sinh ra và lớn lên ở cạnh bờ biển, nên thông hiểu thủy văn, thạo thuộc luồng nước, biết dự báo thời tiết. Các tàu đánh cá, thuyền buôn đi trên biển đều được Bà chỉ dẫn, cứu giúp.
Một lần, đang ngồi bên khung cửi dệt vải, Bà nhận biết được cha và anh mình đang gặp nạn giữa biển khơi. Bà nhắm mắt vận phép thần thông để cứu họ. Nhưng người mẹ thấy Bà như đang mê đi bên khung cửi nên lay thúc, do vậy mà Bà không thể cứu người anh khỏi chết đuối (có dị bản nói là người cha của Bà bị chết đuối). Từ đây, Bà trở nên nổi tiếng và đã dùng phép thuật cứu giúp được nhiều người gặp nạn trên biển. Năm 978, đời Tống Ung Hy năm thứ tư, Bà từ giã cõi đời, hưởng thọ 28 tuổi. Từ đó về sau, vào các đời Tống, Nguyên, Minh, những người đi biển thỉnh thoảng thấy Bà mặc áo đỏ nâu, bay lượn trên mặt biển, hiển linh cứu giúp mọi người lúc gặp nạn. Vì vậy, những người đi biển và cư dân ven biển đều họa hình Bà để thờ cúng, cầu xin Bà phù hộ được bình an, thuận lợi trên đường đi biển.
Tương truyền, năm 1122, Bà đã cứu được sứ thần nhà Tống đi sứ sang Triều Tiên, lúc lâm nguy ông đã cầu nguyện Bà. Chính vì thế, từ thời Tống và các triều đại về sau, Bà luôn nhận được các tước hiệu do nhà vua các đời sau vinh tặng: Nhà Tống phong tước hiệu đầu tiên là Phu Nhân Linh Huệ kèm theo vinh hiệu Thiên Ấn. Năm 1181, Bà được phong hiệu Bảo Quang, 3 năm sau lại được phong hiệu Tứ Phước. Đến đời Tống Quang Trung (1190), Bà được phong Phi Linh Huệ. Năm 1208, Tống Lý Tông phong Bà là Hộ Quốc Trợ Thuận Gia Ứng Anh Liệt. Năm 1253, Tống Lý Tông phong Bà là Linh Huệ Trợ Lý Gia Ứng Anh Liệt. Năm 1258, lại phong tặng Hiến Tế Linh Huệ Hiệp Chỉnh Gia Ứng Thiện Khánh Phù. Đời Nguyên, Bà được phong Thiên Phi, đời Thanh Khang Hy được phong Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tổng số các triều đại Bà được 28 lần vua ban sắc phong. Ngoài ra, dân gian còn tôn vinh Bà là Đại Mẫu (Phúc Kiến, Hải Nam), Đức Bà (Quảng Đông), Mã Tổ (Đài Loan).
Qua truyền thuyết, thần tích và việc thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Trung Quốc và vùng Đông Á, chúng ta thấy rõ Bà là một vị nữ thần của những người làm nghề buôn bán, thông thương trên biển, một nghề vốn phát triển từ khá sớm của văn minh Trung Hoa. Sự kiện Trịnh Hòa (thời nhà Minh), một nhà hàng hải lớn của Trung Quốc, đã dẫn đầu các hải đoàn đi nhiều nơi ở các nước Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, và từ lâu các thuyền buôn Trung Hoa đã đi đến nhiều nơi thiết lập các đường dây buôn bán trên biển. Tuy nhiên, vốn gốc là vị nữ thần bảo trợ nghề buôn bán trên biển, nhưng ở nhiều nơi, nhất là vùng biển phía Nam, Bà còn được dân làm nghề đánh bắt cá trên biển, thậm chí ở cả các vùng cửa sông thờ phụng.
Ước vọng mang lại những an lành cho người phụ nữ mang thai, lúc sinh nở, trẻ em khỏe mạnh, giống như việc thờ Bà Mụ vậy.
Theo quan niệm âm dương luận phương Đông, biển mang yếu tố âm, do vậy, thần biển là nữ thần, điều này phù hợp với các vị thần linh biển của Việt Nam, như Pô Inư Nưgar của người Chăm, Thiên Y A Na, Tứ vị Thánh Nương, Đại Càn Nam Hải Đại Vương… Suy rộng ra, từ trời, đất, nước, biển, mây mưa sấm chớp (Tứ Pháp), ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) được cư dân vùng Nam Dương Tử cho tới Đông Nam Á đều đồng nhất với “âm tính”, mà về phương diện nào đó chính là “nữ tính hóa” việc tôn thờ tự nhiên của con người trong xã hội cổ truyền. Bởi vì, suy cho cùng, tính tự nhiên và nữ tính đều có đặc trưng chung là sản sinh, bảo trợ và che chở.
Tất nhiên, cũng giống như trường hợp các nữ thần khác, như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y A Na, Bà Đen, Bà Chúa Xứ, khởi nguồn có thể bắt nguồn từ đời sống trần thế của một cô gái có thật, có tên tuổi và sinh tử, nhưng do nhu cầu tâm linh, trong một hoàn cảnh nào đó, con người trong xã hội cổ truyền đã gán cho các nhân vật đó một siêu lực mang tính phi thường, từ đó gửi niềm tin tâm linh của con người, cộng đồng vào biểu tượng tâm linh do chính mình thêu dệt nên. Hiện tượng tạo thần trong việc thờ Thiên Hậu cũng giống như việc tạo thần của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã nổi ở trên. Đó cũng là quy luật chung trong quá trình tạo thần của các xã hội thời xa xưa.
Thờ Thiên Hậu ở Nam Bộ
Người Hoa đến đất Nam Bộ đầu tiên vào năm Kỷ Mùi 1679, với khoảng 3000 người, đứng đầu là Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài. Lúc đầu, Chúa Nguyễn cho họ định cư ở Mỹ Tho, Biên Hòa, thành một khu phố riêng. Sau đó, cuối thế kỷ XVII, nhóm người Hoa khác do Mạc Cửu dẫn đầu đến định cư và khai khẩn ở Hà Tiên. Khi Tây Sơn đem quân vào Nam Bộ, xã hội loạn lạc, nhóm người Hoa ở Mỹ Tho và Biên Hòa đều tập trung về Chợ Lớn và định cư ở đó cho tới nay, tạo nên một trung tâm đô thị lớn của người Hoa.
Còn nhóm người Hoa ở Hà Tiên thì vẫn khai khẩn và phát triển mạnh thành một trung tâm thương mại, buôn bán trên biển với nội vùng và ngoại vùng. Sau này, khi Nguyễn Ánh thắng quân Tây Sơn, thì nhóm người Hoa ở Hà Tiên chịu thần phục nhà Nguyễn, họ đăng ký là ngoại kiều và đều được gọi là người Minh Hương. Sau này, thời nhà Thanh cũng có người Hoa di cư đến Nam Bộ, được gọi là Thanh Hương, tuy nhiên người Thanh Hương có số lượng không lớn nên tên gọi này ít được mọi người biết tới. Thời Gia Long, người Hoa được nhà Nguyễn cho lập thành 7 phủ (Thất phủ), đó là Phủ Ninh Ba (tỉnh Trực Lệ), Chương Châu, Tuyền Châu, Phúc Châu (Phúc Kiến), Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu tức Hải Nam (tỉnh Quảng Đông). Mãi đến thời thuộc Pháp, tổ chức Thất phủ này mới bị bãi bỏ.
Thời Pháp thuộc, do hiệp định giữa Pháp và nhà Mãn Thanh, nên còn khá nhiều người Hoa nhập cư từ Hoa Nam vào đất Nam Bộ, họ hình thành 5 bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam và Khánh Gia. Số người Hoa đến trước, phần lớn gia nhập vào 5 bang mới, một số hòa vào làng xã của người Việt.
Từ hai trung tâm định cư ban đầu, sau này người Hoa có mặt ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ, trong đó phần lớn đã lấy vợ chồng là người Việt và nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, ở những nơi người Hoa định cư đông, họ xây dựng thành các hội quán và đền miếu thờ phụng các vị thần linh của họ, trong đó nổi bật nhất là Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Tại Việt Nam, theo thống kê của TS Trần Hồng Liên, có khoảng 50 nơi thờ bà Thiên Hậu, với các tên gọi miếu, đền, chùa, cung. Ở miền Bắc, nơi thờ Bà ít hơn ở Nam Bộ, như ở Hà Nội có đền thờ Bà ở Phố Mã Mây, nơi mà xưa kia người Hoa cư trú nhiều. Tại Phố Hiến (Hưng Yên), bên cạnh rất nhiều các di tích thờ phụng của người Hoa thì có hai ngôi đền thờ Thiên Hậu, đó là đền Thượng và đền Hạ. Ở đây Bà được tôn xưng là Nam Hải Phúc Thần. Đền Hạ được xây dựng từ trước khi người Hoa tới định cư, ở ngay cạnh di tích Đông Đô Quảng Hội. Đến năm 1640, người Hoa mới xây dựng đền Thiên Hậu Thượng, tọa lạc trên bờ hồ trung tâm Phố Hiến, tức thị xã Hưng Yên ngày nay, công trình kiến trúc mang đậm chất Trung Hoa. Đặc biệt có tượng hai con nghê chầu hai bên đền, nên từ lâu người Hưng Yên vẫn có câu ca:
Về tỉnh Hưng Yên
Thăm đền Thiên Hậu, đôi bên nghê chầu. Con dương ngậm ngọc bích chầu, con âm sửa ngọt một bầu nuôi con.
Trong đền, nơi chính điện thờ linh tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu, hai bên có Thiên Lý Nhãn (nhìn xa ngàn dặm) và Thiên Lý Nhĩ (nghe xa ngàn dặm), tương truyền là hai kẻ cướp biển được Bà cảm hóa và thu phục thành đồ đệ. Hàng năm, ngày 23 tháng 3 âm lịch, người ta mở hội Thiên Hậu, có đám rước giữa đền thượng và đền hạ cùng thờ Bà.
Lùi xuống phía Nam, tại Trung Trung Bộ có hai nơi thờ Thiên Hậu là Hội An và Nha Trang. Cũng giống như ở Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An là một thương cảng, từ thế kỷ XVI đã có người Nhật, người Hoa đến định cư, buôn bán, riêng người Hoa lập thành các bang. Nay ở Hội quán Phúc Kiến và Hội quán Ngũ Bang, có nơi thờ Thiên Hậu, hàng năm người Hoa tập hợp về đây cùng ngày vía bà 23/3 âm lịch. Ở thành phố Nha Trang, tại khóm Phước Triều, phường Ngọc Hiệp, có miếu thờ Thiên Hậu, vốn do người Hoa thuộc Bang Phước Triều lập nên từ năm 1875, dưới triều Tự Đức. Gọi là miếu, nhưng thực ra nó kết hợp vừa là chùa, vừa là hội quán. Tuy gọi là chùa, nhưng nơi đây không thờ Phật, mà chỉ thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết hơn 70 km về phía Bắc, có ngôi Chùa Bà Thiên Hậu, do người Hoa xây dựng năm 1725, theo cách kiến trúc của người Trung Hoa. Đây là ngôi chùa thuộc loại cổ nhất của địa phương. Trong chùa còn lưu giữ 5 sắc phong Bà Thiên Hậu của các triều vua Nguyễn. Cũng có thông tin cho rằng ở Bình Thuận còn có ngôi chùa khác thờ Thiên Hậu, ở cửa biển Phú Hải, chùa lập vào thế kỷ XVIII, sau đó chùa bị hư hại, tượng Thiên Hậu phải đưa về chùa Ông, nay người ta xây lại chùa Bà như trước kia. Nhân dân nơi đây kể lại sự tích Thiên Hậu giống như đã ghi trong sách vở, tuy nhiên lại có dị bản, Bà biến thành khúc gỗ trầm hương trôi vào cửa sông Lũy, nhân dân vớt lên lập đền thờ Bà. Rõ ràng ở đây đã có sự giao thoa về huyền thoại giữa Thiên Y A Na và Thiên Hậu, đặc biệt là việc tạo thần thông qua mô típ “cây thiêng” trôi dạt giống như trong sự tích Man Nương ở Bắc Bộ và Thiên Y A Na ở Trung Bộ.
Trên đất Nam Bộ, Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ ở nhiều nơi, thường tập trung ở những nơi trước kia người Hoa sinh sống. Bà được thờ như một thần chủ ở nhiều chùa, miếu, nhưng có trường hợp Bà được phối thờ cùng với các vị thần linh khác. Có thể kể ra một số ngôi chùa, miếu chính thờ Thiên Hậu ở Nam Bộ.
Tại miền Đông Nam Bộ, Bình Dương là nơi có nhiều miếu/cung thờ Thiên Hậu: Thiên Hậu Cung (thị xã Thủ Dầu Một), xây dựng từ giữa thế kỷ XIX. Ngoài Thiên Hậu là thần chủ, còn phối thờ các vị thần khác, như Ngũ Hành nương nương, Ông Rắn, Bà Bốn, Ngũ thổ Long thần, Môn quan Thổ địa, Bà Hỏa… Chùa Bà Bưng Cầu ở ấp 3, thị xã Thủ Dầu Một, xây dựng năm 1867, Thiên Hậu Cung ở thị trấn An Thạnh, Thuận An, xây dựng năm 1879, Thiên Hậu Miếu ở đường Châu Văn Tiếp, thị trấn Lái Thiêu, Thiên Hậu Miếu ở thị trấn Lái Thiêu, Thiên Hậu Miếu ở thị trấn Dầu Tiếng, huyện Bến Cát… Trong các chùa miếu kể trên, ngày lễ Bà vào hai dịp 23/3 và mồng 9 tháng 9.
Tại thành phố Biên Hòa, có miếu Thiên Hậu tại phường Bửu Long, nơi phối thờ Thiên Hậu với Quan Thánh Đế và Ngũ Đăng Tổ sư (tổ sư các nghề chạm đá, mộc và rèn).
Tại thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu với quy mô lớn, đó là Miếu Thiên Hậu tại số nhà 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5. Đây là ngôi chùa/miếu do nhóm người Hoa gốc huyện Tuệ Thành, tỉnh Quảng Đông quyên tiền xây dựng vào năm 1760 và sau đó được trùng tu nhiều lần vào các năm: 1800, 1842, 1882, 1890 và 1916. Đây là trung tâm của người Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi sự kiện này. Có thể coi đây là ngôi chùa/miếu thờ Thiên Hậu lớn nhất ở Nam Bộ.
Tại thành phố Hồ Chí Minh còn có ngôi miếu Thiên Hậu khác tọa lạc tại 122 bến Chương Dương, đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1. Miếu xưa kia còn là trụ sở Quảng Triệu Hội quán của một nhóm người Hoa ở Quảng Đông. Họ gọi ngôi miếu này là Chùa Bà cầu Ông Lãnh để phân biệt với Chùa Bà Chợ Lớn. Chùa được xây vào năm Đinh Hợi, 1887, năm 1920 chùa bị cháy, đến năm 1922 thì được xây dựng lại, năm 1972 miếu được trùng tu thêm. Trên thần điện hai bên Thiên Hậu có hai vị nữ thần nữa là Kim Hoa nương nương và Long Mẫu. Ngoài ra, còn phối thờ nhiều vị nam thần và nữ thần khác, nên những ngày kỵ giỗ trong năm khá nhiều.
Trong ngôi miếu Thiên Hậu tại Quận 5, trên ban thờ chính điện, bày 3 bức tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu theo hàng dọc trên xuống. Trên cùng là bức tượng to nhất: đội có đỉnh, bức tượng thứ hai, nhỏ hơn thường được nghinh Bà ra sân miếu thưởng lãm vào dịp các hoạt động nghi lễ trong ngày hội. Bức tượng dưới cùng, nhỏ nhất thường đặt vào kiệu rước Bà trong ngày lễ vía 23/3 hàng năm. Cạnh trang thờ bà, giống như ở nhiều đền phủ thờ mẫu khác, người ta bày chiếc giường ngự, buông rèm, cạnh có thau nước cho bà rửa mặt, cùng gương lược để bà chải tóc. Hai bên chính điện, có hai tượng nữ thần khác là Long Mẫu nương nương và Kim Hoa nương nương, cùng với hai nam thần là Phúc Đức chính thần và Bắc Đế.
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, Thiên Hậu được thờ phụng ở khắp nơi, có miếu/chùa Bà được thờ như là vị thần chủ, có miếu/chùa Bà được phối tự với các vị thần khác, trong đó đáng chú ý là ngôi chùa Bà ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp của cộng đồng người Hoa có nguồn gốc từ Phúc Kiến, được xây dựng trên 100 năm nay. Miếu Thiên Hậu (Thiên Hậu cổ miếu) là ngôi miếu nổi tiếng Sóc Trăng, được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Miếu tọa lạc trên mảnh đất rộng chừng 1500m² ở thị trấn Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, gắn với cộng đồng người Hoa ở đây từ lâu đời. Không rõ ngôi miếu này được xây dựng từ khi nào, nhưng bia còn ghi lần trùng tu cuối cùng là vào năm 1891. Đặc biệt, tại ngôi miếu này vào các ngày cúng kỵ Thiên Hậu Thánh Mẫu, không chỉ thu hút người Hoa, mà cả cộng đồng người Việt và Khmer đến dâng cúng Bà.
Gần cụm di tích Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang, có ngôi miếu thờ Thiên Hậu ở xã Vĩnh Mỹ, trước cửa miếu có đôi câu đối: “Thánh tích uy linh lê dân lạc nghiệp, Mẫu nghi chiếu diệu bổn hội an hòa”. Tại Bạc Liêu, cách đây hơn trăm năm có ngôi miếu thờ Thiên Hậu với tên gọi Bà Mã Châu.
Tại tỉnh Cà Mau, theo sưu tầm của Phạm Văn Tú, có nhiều cung/miếu thờ Thiên Hậu hình thành từ trước trên địa bàn cư trú của người Hoa thuộc nhóm Mạc Cửu đến vào thế kỷ XVII-XVIII. Có thể kể ra đây các cung thờ chính của Bà ở Cà Mau, như Thiên Hậu cung tại đường Lê Lợi, thành phố Cà Mau, tương truyền do cộng đồng người Hoa di cư từ Hải Nam (Trung Quốc) lập ra; Thiên Hậu cung ở thị trấn Sông Đốc; cung thờ Bà ở Thới Bình; cung thờ Thiên Hậu ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước.
Thờ Thiên Hậu, một hình thức sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa
Các công trình kiến trúc – tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa ở Nam Bộ không chỉ thờ cúng Thiên Hậu, mà còn thờ cúng một điện thần gồm nhiều vị thần đã từng theo chân người Hoa di cư đến nước ta và nhiều nước khác, như Quan Công, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thần Tài, Bao Công, Bà Mụ… Tuy nhiên, trong hệ thống điện thần như vậy, Thiên Hậu Thánh Mẫu luôn là vị thần chiếm vị trí trung tâm, ở vị trí đẳng trật cao nhất. Có thể nói những nơi thờ cúng đó là trung tâm tập hợp của các cộng đồng Hoa về đời sống tâm linh, nơi thể hiện và bảo tồn các giá trị văn hóa mang bản sắc của người Hoa.
Trừ một số miếu/cung của những nhóm nhỏ người Hoa sống rải rác ở Nam Bộ, dọc các kênh rạch, ngã ba sông, có kiến trúc khiêm tốn, không khác mấy so với các miếu thờ Bà Chúa Xứ, Ngũ Hành nương nương, Bà Thủy Long… của người Việt, còn lại các miếu/cung/chùa thờ Thiên Hậu của các cộng đồng lớn.
Của người Hoa thì thường có quy mô kiến trúc lớn và mang bản sắc Hoa rất rõ rệt. Nếu như kiến trúc chùa Hoa mang dáng vẻ chung, thì các miếu/cung của người Hoa thờ Thiên Hậu lại mang sắc thái địa phương. Miếu thường quy hoạch theo bình đồ ngang, sử dụng mang tính đa năng, trong đó ngoài bộ phận phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, còn là trung tâm hoạt động mang tính giáo dục, hoạt động từ thiện.
Trong kiểu dáng kiến trúc, ngoài phần chính diện làm cao hơn, hai bên phụ thường thấp hơn, làm trường học, công sở, hội quán. Chúng ta thường dễ dàng nhận ra hai phong cách kiến trúc miếu/cung của người Hoa có gốc từ Quảng Đông và Phúc Kiến. Nếu miếu Hoa nhóm Quảng Đông có bộ mái rất nặng, trên mái trang trí nhiều họa tiết rồng, phượng, đầu đao vuông thành sắc cạnh, thì kiến trúc các ngôi miếu Hoa của nhóm gốc Phúc Kiến có mái miếu hình thuyền, hai đầu vút cong, tạo nét thanh thoát hơn, có nét nào đó giống với kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt.
Những đặc trưng kiến trúc miếu Hoa ở Nam Bộ còn thể hiện ở bố trí sơ đồ mặt bằng hình chữ “ấn”, hình chủ tam, theo kiểu hai lớp cửa phân tách lớp tiền điện và hậu cung, kết cấu sườn mái với kỹ thuật vì kèo theo kiểu chồng rường, chạm khắc công phu. Đặc biệt là các yếu tố trang trí trên mái cũng như trong và ngoài miếu, cách tạo hình các nếp của theo nguyên tắc ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh), tứ quý (long, ly, quy, phụng), tùng, cúc, trúc, mai.
Các nghi lễ và lễ hội diễn ra trong một năm thực sự là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu nhất liên quan tới các miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa ở Nam Bộ. Cũng cần phải ghi nhận rằng, tuy việc du nhập tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của người Hoa vào đất Nam Bộ mới chỉ khoảng 300 năm, nhưng do tính hòa đồng văn hóa và tín ngưỡng rất sống động nên nhiều hình thức tín ngưỡng, nhất là tín ngưỡng thờ Thiên Hậu, đã dần trở thành tín ngưỡng không chỉ của người Hoa, mà ở nhiều nơi người Việt, thậm chí cả người Khmer cũng đã đến cúng lễ Bà Thiên Hậu. Đặc biệt là trong xã hội đương đại, phát triển kinh tế thị trường và giao lưu văn hóa, nên việc thờ Mẫu có cơ hội bùng phát. Đây chính là nơi gặp gỡ của các hình thức thờ Mẫu của người Việt, người Khmer, người Hoa và cả người Chăm nữa. Dù là Thánh Mẫu của người Việt, Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa, Mẹ Xứ sở của người Chăm thì cũng đều là Mẫu.
Trong một năm, vào các ngày rằm và mồng một hàng tháng, tại các chùa, miếu của người Hoa và cả của người Việt nữa, người dân thường có chút hương hoa lên miếu cúng Mẫu. Tuy nhiên, với miếu Thiên Hậu thì có 3 lễ hội chính trong năm, đó là lễ khai ấn vào 28 tháng Chạp, lễ vía Bà sinh vào 23 tháng 3 và vía Bà tháng 9/9.
Trong các miếu thờ Thiên Hậu ở Nam Bộ thì duy nhất chỉ có miếu thờ Thiên Hậu – Hội quán Tuệ Thành ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh là có nghi lễ khai ấn. Khác với đời sống thường nhật, vào dịp cuối tháng Chạp (28, 29 tháng Chạp) là dịp việc quan dừng lại để chuẩn bị ăn tết, gọi là lễ khạp ấn, sau tết thì làm lễ khai ấn, đánh dấu sinh hoạt trở lại bình thường. Với miếu Bà Thiên Hậu, nơi thế giới thần linh, thì tâm thức của người Hoa tin rằng, trong những ngày tết này con người trông mong vào sự che chở, độ trì của Bà đối với chúng sinh, nên người ta làm lễ khai ấn vào ngày trước tết.
Sáng 29 Tết, sau hồi chiêng trống Bát Nhã, 11 vị trong ban trị sự đã tề tựu tại chính điện, trong đó một người chủ trì lễ dâng hương. Sau nghi thức dâng hương, 11 vị trong ban trị sự làm nghi thức bốc thăm, để lựa chọn ai sẽ làm nghi lễ khai ấn. Trong các mảnh giấy thăm có ghi các chữ “vạn sự như ý”, “như ý cát tường”, tuy nhiên trong các mảnh giấy đó có mảnh ghi chữ “khai ấn đại kiết” và một chữ “bê ấn”. Người bóc được thăm có chữ “bê ấn” sẽ mang ấn cho người bắt được thăm có chữ “khai ấn đại kiết” cầm ấn đóng lên mảnh giấy, trên ấn có ghi chữ “Hộ quốc tỷ dân” (giúp nước cứu dân), rồi người ta dán hai mảnh giấy đã đóng ấn lên hai cột chính. Mảnh giấy này được giữ đến ngày vía Bà 23 tháng 3 mới thay tờ khác. Sau nghi thức khai ấn, nhiều người Hoa đến dự, mang sẵn vải vóc, giấy đến xin chủ ấn để mang về nhà treo lấy may đầu năm.
Cách chu đáo trong những ngày trước, thông qua việc quyên góp tiền để lễ Bà. Đây là công việc hoàn toàn tự nguyện, một dịp để mỗi người tỏ sự thành tâm đối với Bà. Nếu vì sự sơ xuất nào mà ai chưa được quyên góp, thì người ta thắc mắc và được giải quyết rốt ráo. Số tiền quyên góp đều được ghi rành mạch trong sổ. Ở Cà Mau, trong cộng đồng người Hoa, tiền quyên góp được đựng trong giỏ mây. Danh sách quyên góp sẽ là cơ sở để người ta phân phát lộc Bà bằng cốm và thịt lợn. Ngoài ra, việc chuẩn bị các đồ cúng, như hoa quả, bánh trái, đèn nhang, thịt lợn quay là những thứ không thể thiếu.
Việc trang trí đền miếu, trong đó việc sắm và treo đèn lồng là phong tục đặc trưng của người Hoa. Đèn lồng được làm theo nhiều loại và kích cỡ khác nhau, trên đèn có ghi các câu chúc tụng như “Hoà khí sinh tài – Tiền trình như cẩm”, “Vạn sự như ý – Hoa khai phú quý”, “Thọ lộc thọ hỷ – Thiên địa nhân hòa”, “Niên niên cát lợi – Thủy thủy phong thịnh”. Đó là những cây đèn Thánh đăng, được treo trước chính điện. Sau lễ hội, ban tổ chức đưa đèn ra bán đấu giá, tiền thu được nhập vào quỹ của miếu, còn người đấu giá được cây đèn thì được rước đèn về nhà, coi như là phúc đức ân sủng của Thánh Mẫu.
Nếu như ở các dịp vía Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thiên Y A Na có nghi thức tắm tượng thay y trang cho Bà, thì ở các ngôi miếu Thiên Hậu chỉ có tục treo trang phục, mũ nón mới cho các linh tượng được thờ ở chính điện. Những đồ thờ này vào đêm kết thúc đều đem hóa.
Hoạt động quan trọng nhất trong ngày vía Thiên Hậu ở các miếu là lễ rước và lễ tế. Lễ rước được tiến hành có nét khác nhau ở từng địa phương, từng đền miếu, với sự tham gia của đông người với trang phục ngày lễ, rước đèn lồng, chiêng trống, phường cổ nhạc… tạo không khí sôi động trên đường rước, thể hiện sức mạnh cộng đồng người Hoa ở địa phương.
Sau lễ rước là nghi lễ dâng phẩm vật lên Bà, gồm trà, rượu, đèn nhang, giấy chúc thọ, hoa (bông), bánh, ngũ quả, mỳ, bánh bò, cốm phước, ngũ sanh (tôm, cua, trứng, thịt lợn, thịt gà) và cuối cùng là văn sớ. Vào buổi tối, ngay trong sân miếu người ta tổ chức các hình thức múa hát để dâng Bà, như ca cổ, tuồng… Các sinh hoạt văn hóa này không đơn thuần là hoạt động vui chơi giải trí cho cộng đồng trong ngày hội, mà còn là một hình thức dâng cúng, mua vui cho thần linh.
Như vậy, trong môi trường giao lưu chủng tộc và văn hóa sôi động của Nam Bộ khoảng 300 năm trở lại đây, giữa các cộng đồng người Khơme, Chăm, Việt, Hoa và Chăm, các cộng đồng bản địa cũng như các cộng đồng mới di cư đến, trên nền tảng văn hóa sẵn có của mình, đã diễn ra giao lưu ảnh hưởng sôi động, tạo nên những tương đồng, những nét thống nhất văn hóa. Tuy nhiên, mỗi dân tộc vẫn giữ lại những nét riêng, độc đáo của mình, trong đó hiện tượng thờ Mẫu là nét nổi trội và điển hình nhất.