Ý nghĩa:
Các cụ ta xưa có câu “Trai khôn dựng vợ, gái khôn gả chồng”. Từ cổ chí kim, hôn nhân bao giờ cũng được xem là việc quan trọng của cả một đời người. Khi hai gia đình nhà trai, nhà gái quyết định tác hợp cho hai trẻ nên vợ chồng và tiến hành các thủ tục: lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới, vào các ngày tiến hành các lễ trên, gia đình bên nhà trai và nhà gái đều phải làm lễ yết cáo Gia Thần, Gia Tiên.
Sắm lễ:
- Lễ Chạm Ngõ: Gia đình nhà trai làm mâm lễ mặn (xôi, gà) cúng Gia Thần, Gia Tiên để trình báo việc hệ trọng của chàng trai. Lễ Chạm Ngõ nhà trai mang sang nhà gái gồm: Một cơi trầu (12 lá trầu), cau bổ tư hoặc để cả buồng, mứt sen, trà, rượu, thuốc lá, và một thiếp vàng. Cha cô dâu tương lai mang lễ này đặt lên bàn thờ Gia Thần, Gia Tiên để cúng trình báo về việc hệ trọng của con gái.
- Lễ ăn hỏi: Nhà gái nhận lễ ăn hỏi của nhà trai gồm: trầu, cau, trà, rượu, thuốc lá, bánh cốm, bánh phu thê (su sê) theo yêu cầu của mình, rồi đặt lên bàn thờ cúng Gia Thần, Gia Tiên. Sau lễ ăn hỏi, nhà gái đem chia lễ ăn hỏi cho họ hàng, bạn bè, người thân, cơ quan… Khi chia lễ ăn hỏi, người chia lễ đưa thiệp mời dự đám cưới, có ngày giờ đã chọn.
- Lễ cưới được tổ chức vào ngày lành tháng tốt do hai bên gia đình chọn. Trước khi sang nhà gái đón dâu, chú rể phải làm lễ ở bàn thờ nhà mình. Đến khi sang nhà gái đón dâu, cả cô dâu và chú rể xin phép hai họ để cúng lễ tổ tiên nhà vợ tại chính nhà bố mẹ vợ và, nếu có thể, vào yết cáo tại nhà thờ họ bên nhà vợ.
Đối với cô dâu cũng vậy, vào ngày vu quy, khi về nhà chồng, việc đầu tiên là phải lễ trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng. Sau đó, họ nhà chồng đưa cô dâu đi lễ nhà thờ trong hai họ nội ngoại bên nhà chồng.