ĐÌNH MAI PHÚC

ĐÌNH MAI PHÚC

Đình Mai Phúc ở thôn Mai Phúc, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Dân địa phương quen gọi là Đình Trong để phân biệt với đình Ngoài đã bị phá hủy.

Hậu cung gồm 3 gian kiểu đầu hồi bít đốc. Trong kháng chiến chống Pháp, đình đã bị phá hoại nặng nề. Nhân dân đã sửa chữa đình Trong còn lại.
Đình còn lưu giữ một số đồ tế khí, các sắc phong có niên hiệu Dương Đức (Lê Gia Tông, 1671-1675), Chính Hòa (Lê Hi Tông, 1675-1705), Vĩnh Thịnh (Lê Dụ Tông, 1705-1729). Đặc biệt, đình còn lưu giữ được một quyển sách bằng đồng. Sách đồng được tạ vào năm Khải Định 5 (1920), không khắc tên người viết chữ Hán và khắc chữ. Sách gồm 12 lá đồng, khổ 18x34cm, được đóng lại bằng dây đồng, nặng khoảng 1kg, không trang trí. Trên các lá đồng có khắc chữ Hán và đánh số trang từ 1 đến 12 ở góc trái. Mỗi trang có 7 đến 8 dòng, mỗi dòng từ 5 đến 12 chữ, tổng cộng khoảng hơn 2000 chữ khắc chìm, chân phương. Nội dung ghi là do Nguyễn Bính, Hàn lâm viện, Đông các đại học sĩ soạn. Nội dung ghi lại sự tích hai vị thành hoàng có tài trí, thông minh, dũng cảm dẹp loạn 12 sứ quân.

Hàng năm, dân làng mở hội tưởng nhớ công đức của hai vị thành hoàng vào ngày 10 tháng 12 âm lịch.
Đình (và chùa) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật ngày 21.01.1992.