Đình Gia Lâm ở thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Di tích nằm phía đông, cách Hà Nội trên 20km. Từ Hà Nội qua cầu Chương Dương, cầu Chui rẽ theo đường số 5 đi 15km, rẽ trái đi 4km là đến khu di tích.
Theo truyền thuyết, đình thờ Hộ Pháp cư sĩ họ Đặng. Ông sinh năm 26 trước Công nguyên. Năm 18 tuổi, cha mẹ đều mất, ông đang học ở Gia Lâm, sau đó Hán Chiêu Đế cử làm thái thú Giao Châu. Khi đi đánh giặc, ông phủ dụ bảo ban lễ nghĩa, quân giặc xin hàng. Nhân lúc nhàn rỗi, ông quay lại dạy bảo dân điều ân nghĩa, dân chúng đều bái tạ. Đến đời An Đế, Vương Mãng làm loạn, ông đem quân trấn giữ quan ải, bị bao vây, ông phá vòng vây chạy về Long Biên thì mất vào ngày 10 tháng 8 âm lịch. Vua nghe tin, bèn ban sắc phong cho ông làm phúc thần, lại cho các quận Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Gia Lâm cũng rước mỹ tự về thờ. Đình Gia Lâm được dựng trên nền lớp học cũ của ông.
Đời Hán, ông được phong là Phổ Tế Cư Sĩ Đại Vương. Đời Trần, ông được phong là Đương Cảnh Thành Hoàng, Hộ Pháp Cư Sĩ Đại Vương. Đời Lê Thái Tổ, ông được phong là Phổ Tế Cương Nghi Anh Linh, ban sắc chỉ cho trang Gia Lâm tu sửa lại đền miếu để thờ phụng.
Đình quay hướng đông, mặt bằng hình chữ nhị (=), gồm đình Thượng và đình Hạ, với 5 gian 2 dĩ, hiện nay chỉ còn phần hậu cung mới được tu tạo. Đình còn giữ được nhiều di vật quý: một tấm bia khắc ngọc phả năm Vĩnh Hựu 6 (1740), bộ long ngai, bài vị, kiệu long đình, hoành phi, câu đối, ý thơ, bộ bát bửu.
Đình Gia Lâm (và chùa) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật ngày 28.4.1994.