ĐỀN ĐỒNG CỔ
Đền được xây dựng từ thời Lý vào năm 1028. Đền ở thôn Nam, phường Yên Thái, huyện Quảng Đức, thành Thăng Long, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền thờ “Thiên hạ minh chủ tôn thần”, tức thần núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền ngày xưa khi Vua Hùng đi đánh giặc, trú quân ở dưới núi, đêm nằm mộng thấy thần hiện lên xin theo quân để trợ chiến. Khi lâm trận, Vua Hùng nghe có tiếng trống vang lên trong không trung, thúc giục quân lính đánh giặc và đã thắng trận. Khi trở về, Vua Hùng phong cho thần là Đồng Cổ Đại Vương. Sự tích thần cũng chép: Thái tử Phật Mã vâng lệnh Lý Thái Tổ đem quân đi đánh Chiêm Thành, khi đóng quân tạm nghỉ, đêm mộng thấy thần núi hiện ra dưới dạng một võ tướng uy nghiêm xin theo giúp phá giặc lập công. Thắng trận trở về, Phật Mã sửa lễ tạ thần núi và rước về thành Thăng Long để giữ nước và hộ dân.
Chính sử ghi việc dựng miếu thờ thần ở Thăng Long vào năm 1028. Trước khi Lý Thái Tổ mất một ngày, thái tử Phật Mã chiêm bao thấy một người xưng là thần núi Đồng Cổ báo trước rằng ba vương sẽ làm loạn. Phật Mã phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm, dẹp được loạn và lên ngôi vua là Lý Thái Tông. Lên ngôi vua xong, Thái Tông phong tước cho thần núi Đồng Cổ làm “Thiên hạ minh chủ” (người chủ trì việc thề trong nước). Ngày 25 tháng 3 năm ấy, vua cho dựng đàn thề ở đền Đồng Cổ, cắm cờ xí, treo gươm giáo, bắt các quan văn võ đi vào trước thần vị, cùng nhau uống máu ăn thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh trị tội”. Sau đó, vì tháng 3 là ngày quốc kỵ nên chuyển sang ngày 4 tháng 4. Văn võ bá quan, ai thiếu mặt bị phạt 5 quan tiền. Dân chúng kinh thành ngày hôm ấy nô nức đi xem lễ thề. Đến đời Trần vẫn còn giữ lễ như vậy. Đến đời Lê, đôi nơi thề ở bờ sông, còn đền Đồng Cổ thì sai quân đến tế.
Đền Đồng Cổ đã bị hủy hoại nhiều, gần như đổ nát, mỗi lần tu sửa lại được chỉnh trang, chiếc trống đồng trong đền là trống mới được phục chế, ít giá trị lịch sử nghệ thuật, chỉ có giá trị tượng trưng cho nền văn minh lúa nước thời Đông Sơn, đã trở thành vật thiêng liêng gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Có thể nói thần Đồng Cổ và hội thề Thăng Long thời Lý là do nhà Lý tổ chức để thời sự hóa một nghi thức cổ truyền của nhân dân từ thuở Vua Hùng dựng nước và dùng thần quyến phục vụ vương quyền, củng cố nhà nước phong kiến vừa được xây dựng.
Đền đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử ngày 31.1.1992.