Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng làng hầm Vĩnh Linh (Quảng Trị)

Địa đạo Vịnh Mốc (được đào trong khoảng từ năm 1965-1966) là địa đạo nổi tiếng nhất trong số hàng trăm địa đạo được người dân huyện Vĩnh Linh đào trong thời gian từ năm 1965-1968 để tránh bom đạn quân thù. Địa đạo nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển, cao 28m so với mặt nước biển, thuộc địa phận xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; là kỳ tích lao động của 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn để đào và vận chuyển hơn 60.000m³ đất đá của nhân dân Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang.
Vĩnh Linh là một khu vực đặc biệt, có vị trí chiến lược hết sức trọng yếu, được coi là tuyến lửa trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Trong những năm tháng chiến tranh, người dân Vĩnh Linh hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với kẻ thù, chống lại các âm mưu đánh phá điên cuồng của Mỹ – ngụy. Từ năm 1965, không quân Mỹ và tay sai thực hiện đánh phá miền Bắc; Vĩnh Linh trở thành mục tiêu hủy diệt của chúng. Để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, Khu ủy Vĩnh Linh đưa ra chủ trương công sự hóa toàn khu vực; mọi hoạt động của con người phải chuyển vào lòng đất; với khẩu hiệu “Mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”, cả Vĩnh Linh rầm rộ tiến vào lòng đất, mọi nhà, mọi thôn, người người đào địa đạo. Đến cuối năm 1968, gần 70 làng của 15 xã và thị trấn ở Vĩnh Linh đều có địa đạo. Nếu chỉ tính các làng hầm, địa đạo tiêu biểu thì toàn khu vực Vĩnh Linh có 114 làng hầm, chưa kể hệ thống giao thông hào liên thôn, liên xã và hệ thống hầm hào.
Hệ thống địa đạo ở Vĩnh Linh lúc này thực sự là những làng hầm dưới lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc là một trong số hàng chục địa đạo có cấu trúc tương đối quy mô thuộc hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được thiết lập trong những năm tháng đầy cam go thử thách này. Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10-23m, tổng chiều dài hệ thống đường hầm là hơn 2.000m (nay chỉ còn 1.071m). Địa đạo có trục chính dài 768m, cao từ 1,5-1,8m, rộng từ 1-1,2m. Từ trục chính tỏa ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có tất cả 13 cửa, gồm bảy cửa mở ra phía biển và sáu cửa thông lên đồi. Tại các cửa đều có khung gỗ chống đỡ, thường xuyên được gia cố để chống sụt lở. Hai bên trục đường, cứ khoảng cách từ 3-5m thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một khoảng không gian cho một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt.
Địa đạo được cấu thành ba tầng: tầng 1 là nơi sinh sống của nhân dân; tầng 2 là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, ủy ban và Ban chỉ huy các lực lượng vũ trang; tầng 3 chủ yếu là kho hậu cần, cất giữ hàng hóa cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam cũng như phục vụ cho cuộc chiến đấu tại chỗ. Trong địa đạo có đầy đủ những công trình thiết yếu bảo đảm an toàn và phục vụ cho đời sống như trạm gác, bệnh xá, nhà hộ sinh, nhà bếp, nhà vệ sinh và nhiều lỗ thông hơi được bố trí một cách hợp lý, khoa học. Đặc biệt, trong lòng địa đạo còn có ba giếng nước và một hội trường vuông vắn có sức chứa trên 50 người.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, tính bình quân mỗi người dân nơi đây phải gánh chịu hơn 7 tấn bom đạn, song không thể làm nao núng được lòng quyết tâm, ý chí kiên cường, nỗ lực phi thường, sự linh hoạt, sáng tạo của quân và dân Vịnh Mốc – Vĩnh Thạch – Vĩnh Linh.
Dù vậy, địa đạo Vịnh Mốc nói riêng và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh nói chung không phải là chỗ ngồi bó gối để tránh giặc mà là nơi triển khai mọi hoạt động của đời sống, là thế trận tiến công và phòng ngự của chiến tranh nhân dân. Từ địa đạo này, quân và dân Vịnh Mốc – Vĩnh Thạch – Vĩnh Linh đã tổ chức thắng lợi công cuộc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; tham gia đánh địch trên biển, trên không; vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện đắc lực cho đảo Cồn Cỏ anh hùng; duy trì tốt mọi công tác sinh hoạt chính trị, sinh hoạt văn nghệ, bảo đảm đời sống bình thường của nhân dân trong suốt gần 2.000 ngày đêm ròng rã. Mãi đến sau năm 1972, khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bị đánh bại, Hiệp định Paris ra đời, Vĩnh Linh không còn là vị trí đầu cầu nữa, nhân dân Vĩnh Thạch rời lòng đất bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới thì địa đạo mới thực sự chấm dứt hoạt động.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.